Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ
20/04/2024

Án oan sai và vai trò của Luật sư

Hoạt động tư pháp Việt Nam trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực với nhiều kết quả đáng ghi nhận: hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng quy củ, có sự phối hợp thống nhất và hiệu quả; việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đã hạn chế đến mức thấp các trường hợp kết án oan người không có tội. Hầu hết các vụ án đã được đưa ra xét xử trong thời hạn luật định, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa từng bước được nâng cao, tỷ lệ bản án, quyết định về hình sự bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của hội đồng xét xử có xu hướng giảm hàng năm[1]. Bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động tố tụng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là giai đoạn điều tra và xét xử vẫn còn để nhiều án oan, sai dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, người bị hại cũng như các đương sự trong vụ án hình sự, vụ việc dân sự, kinh tế bị xâm hại nghiêm trọng, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong 3 năm (2011-2014), các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, trong đó có 71 vụ án oan, sai với số tiền bồi thường lên đến hơn 30 tỷ đồng.

Luật sư luôn đóng vai trò chính trong việc làm sáng tỏ hầu hết các vụ án oan, sai. Những “chuyên gia pháp lý” với lòng yêu nghề, sự dũng cảm và tôn chỉ bảo vệ công lý đã đấu tranh bền bỉ, “mưu trí” để chỉ ra những chứng cứ ngụy tạo, các vi phạm tố tụng nghiêm trọng, sự thật được làm sáng tỏ, bảo đảm công lý được thực thi. Nhưng có thể thấy vai trò của luật sư trong các vụ án oan, sai đều ở thời điểm mà người bị oan đang phải “chấp hành án”, có nghĩa những giai đoạn đầu của tố tụng, luật sư chưa thực sự được nhìn nhận và tôn trọng tương xứng với vai trò là “người chiến sĩ dấn thân vì công lý” cũng như trong việc phòng, chống án oan, sai.

- Cần tiếp tục nghiên cứu kết hợp với kế thừa có chọn lọc nền văn minh pháp lý các nước tiên tiến trên thế giới để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật tố tụng với trọng tâm bảo đảm quyền con người, quyền công dân thông qua việc bảo đảm và nâng cao vai trò, vị thế của luật sư trong hoạt động tố tụng.  

- Người làm công tác giám định tư pháp phải tham dự các phiên tòa có liên quan và trực tiếp làm rõ nội dung trong kết luận giám định và chịu trách nhiệm trước tòa về kết quả giám định đó.

- Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội. Bên cạnh đó, giới luật sư cũng cần nghiên cứu kỹ những quy định về bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân, các trường hợp được miễn và có thể được miễn trách nhiệm hình sự, thông báo việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt người, tạm giữ, tạm giam, khởi tố bị can, hỏi cung bị can và các kết luận giám định tư pháp, trình tự thủ tục thi hành án dân sự, hình sự; nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, đặc biệt là kết luận điều tra, bản cáo trạng, các chứng cứ liên quan đến vụ án, đánh giá, phân tích khách quan đến từng chi tiết của chứng cứ, tài liệu. Gặp gỡ, trao đổi với bị can, bị cáo trong án hình sự hoặc khách hàng trong án dân sự, hành chính, lao động, hôn nhân gia đình, kinh tế bằng nghiệp vụ của mình tìm ra sự thật khách quan của vụ án, phát hiện những dấu hiệu oan, sai trong từng giai đoạn. Lấy “hòa giải” là phương thức hữu hiệu trong án dân sự, chọn trung tâm trọng tài là cách giải quyết tốt nhất trong án kinh tế, coi trọng chứng cứ trong án hình sự, lấy nguyên tắc suy đoán vô tội là sự chỉ đạo xuyên suốt quá trình bào chữa của luật sư.


[1] Báo cáo công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13.

[2] Báo cáo thực trạng công tác giám định tư pháp - Cục Bổ trợ tư pháp.

Tạp chí Luật sư Việt Nam