Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ
27/04/2024

Luật sư trong các chế độ cũ ở Việt Nam

Luật sư và nghề luật sư ngày càng được quan tâm và phát triển ở nước ta. Dẫu vậy không phải ai cũng biết trong hơn một trăm năm qua, dù ra đời sau so với nhiều ngành nghề khác và phải trải qua không ít thăng trầm, nhưng các Luật sư, dù là người Việt hay người nước ngoài, vẫn luôn để lại những dấu ấn đặc biệt khi tham gia hành nghề dưới các chế độ cũ ở Việt Nam. Bài viết tập trung giới thiệu, phân tích về những Luật sư tiêu biểu với các hoạt động nổi bật của họ ở Việt Nam trước năm 1975.

Các Luật sư trong trang phục truyền thống ở Việt Nam trước năm 1975 (trong ảnh: Sau lễ tuyên thệ Luật sư tập sự năm 1971). Ảnh: ST.

Dưới các chính quyền cũ (Pháp thuộc, Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa), Luật sư là những người như thế nào và đã hành nghề ra sao là vấn đề lâu nay được không ít người quan tâm. Dù gặp không ít hạn chế, khó khăn do các nguồn tài liệu tản mát và thời gian phủ bóng, nhưng gạt qua yếu tố chính trị, vẫn thấy được những giá trị rất đáng trân trọng, tự hào về hoạt động cũng như ảnh hưởng của Luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam trong các thời kỳ này.

Đặt vấn đề

Nghề luật sư ở nước ta xuất hiện vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, sau khi thực dân Pháp đã tiến hành xâm chiếm và đặt ách đô hộ trên một phần lãnh thổ Việt Nam. Nhưng ban đầu Luật sư chỉ dành cho người Pháp, rồi người mang quốc tịch Pháp tại tòa án do Pháp thiết lập, chỉ từ sau ngày 25/5/1930 (thực chất là sau ngày 12/9/1931) khi chính quyền Pháp có quy định mở rộng quyền hành nghề cho Luật sư thì người mang quốc tịch Việt mới được làm Luật sư và bảo vệ quyền lợi cho người dân nước mình tại các tòa án ở Việt Nam. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể Luật sư, chính thức khai sinh ra nghề luật sư trong chính quyền cách mạng, nhưng do chiến tranh nên hàng chục năm sau đó chủ yếu chỉ được thực hiện ở miền Bắc và các vùng giải phóng. Trong khi đó, ở miền Nam, nghề luật sư tiếp tục chịu sự chi phối, điều chỉnh theo pháp luật của thực dân Pháp, Chính phủ Quốc gia Việt Nam và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến năm 1975.

Luật sư hành nghề dưới chế độ cũ, họ là ai?

Trước năm 1911, nghề luật sư ở Việt Nam (ban đầu áp dụng ở Nam Kỳ và gọi là bào chữa viên) chỉ thuộc về người Pháp hoặc mang quốc tịch Pháp, cùng với các yêu cầu về trình độ, điều kiện tham gia nên hẳn nhiên không có người Việt nào tham gia hành nghề ở trong nước, mà chỉ gồm những Luật sư người Pháp bảo vệ quyền lợi cho công dân nước họ. Cụ thể, sau khi tuyên bố về chủ quyền đối với 6 tỉnh Nam Kỳ vào ngày 25/6/1867, ngày 26/11/1867 Thống đốc Nam Kỳ De la Grandière đã ký ban hành Nghị định về việc hành nghề bào chữa trước các tòa án Pháp dành để xét xử người Pháp và người đã nhập quốc tịch Pháp ở Nam Kỳ. Cũng theo Nghị định ngày 26/11/1867, số lượng bào chữa viên ở Nam Kỳ có tối đa gồm 5 người và theo Nghị định ngày 15/10/1879 của Toàn quyền Đông Dương được nâng lên 7 người(1). Bằng Sắc lệnh ngày 25/5/1930, được sửa đổi ngày 24/7/1931 của Tổng thống Cộng hòa Pháp áp dụng về Luật sư ở Đông Dương, nhà cầm quyền Pháp mở rộng quyền hành nghề cho Luật sư ở các nước thuộc địa. Cả hai Sắch lệnh này cùng được ban hành và áp dụng ở Đông Dương bởi Nghị định ngày 12/9/1931 của Toà quyền Đông Dương Pièrre Pasquier. Từ lúc này, một số người Việt có trình độ cử nhân luật, đáp ứng các điều kiện đã có thể tham gia vào đội ngũ “những chiến sĩ bảo vệ công lý” và bảo vệ quyền lợi cho người dân nước mình tại các tòa án ở Việt Nam.

Đối với Luật sư người Pháp, hiện vẫn rất ít tài liệu đề cập, nhưng qua một số vụ việc nổi tiếng, chúng ta vẫn biết đến các cá nhân cụ thể. Đó là hai trạng sư (một cách gọi về Luật sư khi đó) Bona và Larre trong vụ án xét xử nhà yêu nước Phan Bội Châu tháng 11/1925; hai trạng sư Gallois Montbrun và Charles Charles Gallet trong “vụ án hội kín Nguyễn An Ninh” năm 1929; hai trạng sư Tricon và Zéaco trong vụ án Cánh đồng Nọc Nạn năm 1928; Luật sư Lambert (và Luật sư Trần Văn Chương) trong vụ án xét xử báo Le Travail năm 1937(2). Qua các tài liệu về hoạt động của Luật sư ở các vụ án này cho thấy, các Luật sư người Pháp lúc này dẫu ít, phải vượt qua không ít cản ngại, có thể phải chấp nhận cả những tổn hại về danh tiếng cùng các điều kiện vật chất, tinh thần, song họ vẫn nêu cao giá trị nghề nghiệp, hết lòng bảo vệ thân chủ, dù đó là những người dân yếu thế.

Bên cạnh các Luật sư người Pháp, các Luật sư người Việt (ban đầu do mang quốc tịch Pháp) cũng xuất hiện và tăng dần kể từ sau năm 1911. Trong thời kỳ Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa (1949-1975), cùng với những thay đổi về chính trị, chế định về Luật sư đã có một số điều chỉnh. Cụ thể, đó là Dụ số 25 ngày 05/12/1952, Dụ số 41 ngày 15/11/1954 dưới chính thể Quốc gia Việt Nam, trong đó quy định Luật sư phải có quốc tịch Việt Nam; Luật số 1/62 ngày 08/01/1962, Sắc luật số 025/66 ngày 07/7/1966 dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp tục ấn định về tổ chức và hoạt động của nghề luật sư. Theo thời gian, số lượng Luật sư người Việt cũng ngày một đông với những hoạt động sôi nổi, nhất là trong giai đoạn 1954-1975. Trước năm 1975 dẫu Đại học Luật khoa Sài Gòn đào tạo theo chế độ mở (không tổ chức thi tuyển), nhưng vì đào tạo nghiêm ngặt nên số sinh viên luật tốt nghiệp hàng năm chỉ khoảng 100 người, do đó số Luật sư cũng không lớn. Còn theo Danh biểu Luật sư đoàn Tòa thượng thẩm Sài Gòn niên khóa 1974-1975 có tất cả 390 Luật sư thực thụ và 490 Luật sư tập sự, còn Luật sư đoàn Huế có khoảng 50 Luật sư thực thụ và khoảng 100 Luật sư tập sự(3).

Xin giới thiệu một số Luật sư Việt Nam tiêu biểu sớm tham gia hành nghề và thành danh (theo thời gian năm sinh), trong đó, có Luật sư hành nghề dưới các chế độ cũ, có Luật sư sau đó tham gia hoạt động cách mạng, như:

Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường (1876-1933), người Việt Nam đầu tiên hành nghề luật sư (1912)(4). Là một trí thức, nhà báo yêu nước, ông đã tích cực tập hợp những người cùng chí hướng hoạt động đấu tranh chống lại các chính sách của thực dân Pháp.

Tiến sĩ, Luật sư Trần Văn Chương (1898-1986), xuất thân trong gia đình quan lại, có quan hệ mật thiết với hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của các chính quyền cũ. Ông từng được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ Trần Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ.

Luật sư Ngô Sách Vinh (1900- 1962), từng được bổ nhiệm làm Phó Trưởng lý Tòa thượng thẩm Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng Đô thành Sài Gòn, Dân biểu Quốc hội Việt Nam Cộng hòa. Ông là người sáng lập, đồng thời là Ủy viên Ban quản trị Hội đồng Thập tự Việt Nam, hội viên Hội Luật gia kháng chiến trong Mặt trận Liên Việt.

Tiến sĩ, Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986), từng bào chữa cho một số Việt kiều trước tòa án tại Pháp. Năm 1945, ông là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Trần Trọng Kim. Trong phong trào đấu tranh yêu nước và hoạt động cách mạng, ông 5 lần bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam, được suy tôn là Chủ tịch danh dự Phong trào Hòa bình ở Sài Gòn, rồi Chủ tịch Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tiến sĩ, Luật sư Vương Quang Nhường (1902-?), thủ lãnh Luật sư đoàn Tòa thượng thẩm Sài Gòn (1932). Năm 1945 ông tham gia Hội đồng dự thảo hiến pháp tại Huế (theo Dụ ngày 30/6/1945), năm 1950 giữ chức Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, từ năm 1951 đến 1955 ông kiêm nhiệm Tổng trưởng phụ tá Phủ Thủ tướng, rồi Bộ trưởng Bộ Tư pháp dưới chế độ cũ.

Tiến sĩ, Luật sư Bùi Tường Chiểu (1904-?), tác giả cuốn “Chế độ đa thê trong pháp chế Việt Nam”, thành viên của Hội đồng thành phố Hà Nội (1936-1940). Sau năm 1954, ông vào Nam, tham gia trong phong trào đấu tranh chống đàn áp Phật giáo tại Sài Gòn những năm 1963. Là Luật sư thành danh sớm, ông đã đỡ đầu cho nhiều Luật sư nổi tiếng sau này.

Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997), người đỗ hai bằng tiến sĩ ở Pháp khi mới 22 tuổi. Ông hành nghề luật sư tại Hà Nội và sau đó lên chiến khu hoạt động. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã tham gia bào chữa gỡ tội cho nhiều người trong các vụ án lớn, trong đó có vụ án do Tòa án Quân khu III xét xử Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ năm 1950. Ông từng là Chủ tịch Hội đồng Luật sư Hà Nội và Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

Tiến sĩ, Luật sư Phạm Văn Bạch (1910-1986), tốt nghiệp khoa Luật Trường Đại học Lyon (Pháp) năm 1936, sau đó hành nghề luật sư, dạy học ở Cần Thơ. Sau năm 1945, ông đảm nhận các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996), học luật tại Pháp và trở về nước năm 1933, hành nghề luật sư tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong chính quyền cách mạng, ông từng là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Huyền (1911-1995), Chủ tịch Phong trào Công giáo Tiến hành Việt Nam, Phong trào Trí thức Công giáo. Ông cũng từng là Chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Luật sư Nguyễn Văn Huyền còn nổi tiếng với những vụ biện hộ cho các bị can Hà Huy Tập, Nguyễn Hữu Thọ,… tại các tòa án ở Sài Gòn(5). Sau năm 1975, ông là Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV. Tiến sĩ, Luật sư Vũ Văn Hiền (1911-1961), nhà báo, chuyên gia về kinh tế - tài chính. Tháng 4/1945 ông là Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Ông là Tổng Thư ký trong phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa đàm phán với Pháp tại Hội nghị Đà Lạt. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam một thời gian. Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam và tiếp tục hành nghề luật sư, đồng thời dạy luật ở Sài Gòn.

Luật sư Phan Anh (1912-1990), nhà báo, chính khách nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật năm 1938, ông sang Pháp để trình luận án tiến sĩ luật, nhưng do chiến tranh nên ông về nước hành nghề luật sư. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công thương, Thương nghiệp, Ngoại thương, Chủ tịch Hội Luật gia, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Tiến sĩ, Luật sư Bùi Thị Cẩm (1912-?), nữ Luật sư người Việt đầu tiên. Trên đất Pháp, bà có bằng tiến sĩ luật năm1941. Sau khi là Luật sư, bà về nước, hăng hái tham gia động cách mạng trong Ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1954, bà tập kết ra Bắc và từng giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tiến sĩ, Luật sư Vũ Văn Mẫu (1914-1998), học giả, Trưởng khoa Luật đầu tiên người Việt Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn. Dưới chế độ cũ, ông từng trải qua các chức vị: Thượng nghị sĩ, Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ tướng (30/4/1975), Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn... Ông luôn đấu tranh vì lẽ phải, nêu cao tinh thần dân tộc. Khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao, Thượng nghị sĩ, ông nhiều lần ra tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; là Thủ tướng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, ông ủng hộ chủ trương bàn giao chính quyền cho quân Giải phóng vào ngày 30/4/1975.

Luật sư Trần Công Tường (1915- 1990), Thứ trưởng trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Quyền Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế của Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1945, ông tham gia hoạt động ở Nam bộ, làm Chủ tịch Hội Trí thức và Công chức cứu quốc Nam bộ. Trong Cách mạng tháng Tám, ông được cử làm Giám đốc Tư pháp Nam bộ và Tổng Chưởng lý Nam bộ. Ông là một trong các trợ lý đắc lực về tư pháp của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Luật sư Thái Văn Lung (1916- 1946), đại biểu Quốc hội khóa I. Ông đỗ cử nhân luật tại Pháp, có thời gian là sỹ quan quân đội Pháp trong chiến tranh thế giới thứ II. Sau đó, ông về nước hành nghề luật sư. Tháng 6/1945, ông tham gia lãnh đạo Thanh niên tiền phong ở Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn và chỉ huy các đơn vị bộ đội địa phương. Ông bị địch bắt và hy sinh ngày 02/7/1946.

Luật sư Trương Đình Dzu (1917-1991), người hai lần ứng cử tổng thống ở miền Nam Việt Nam. Lần đầu, ông tranh cử với Ngô Đình Diệm, nhưng được biết đến nhiều nhất là cuộc vận động tranh cử năm 1967. Ông liên danh với Trần Văn Chiêu (một chiến sĩ cộng sản nằm vùng) và đứng thứ hai, sau liên danh Thiệu - Kỳ. Ông bị coi là thành phần thân cộng và bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắt giam đến năm 1975. Sau năm 1975, ông được chính quyền cách mạng mời ra Hà Nội trong vai trò một cố vấn trong việc giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội miền Nam sau giải phóng, từ đó giúp Chính phủ đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách ổn định xã hội(6).

Luật sư Trần Ngọc Liễng (1923- 1911), Tổng trưởng xã hội, Quốc vụ khanh của Việt Nam Cộng hòa. Ông tích cực tham gia hoạt động trong các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Tháng 6/1969, Lực lượng quốc gia tiến bộ thành lập đã đề cử ông làm Chủ tịch. Năm 1974, ông là Chủ tịch Tổ chức Mặt trận nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris. Đất nước giải phóng, ông làm Trưởng ban Pháp chế HĐND, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.

Luật sư Nguyễn Phước Đại (tên thật là Nguyễn Thị Quỳnh Anh (1924-2013), nữ Luật sư tên tuổi ở Sài Gòn trước năm 1975. Năm 1973 bà được bầu là Phó Chủ tịch Thượng nghị viện của Việt Nam Cộng hòa. Bà là một trí thức yêu nước, tích cực tham gia vào các phong trào phản đối chiến tranh, phản đối chế độ lao tù... Sau năm 1975, bà là Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam (1993-1999), Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1994-2004). Luật sư Vương Văn Bắc (1927- 2011), giảng viên luật, từng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, Đại sứ, Tổng trưởng Ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa. Với cương vị Tổng trưởng Ngoại giao, năm 1974 ông là người xúc tiến soạn văn kiện Tuyên cáo về việc Trung Quốc xâm lược đảo Hoàng Sa, triệu các phái đoàn ngoại giao ở Sài Gòn đến Bộ để nghe ông xác định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và cho công bố bạch thư lên án vụ chiếm đoạt của Trung Quốc trước công đàn quốc tế.

Cùng với đó còn có nhiều Luật sư đã gắn bó với nghề, điểm tô cho truyền thống nghề luật sư Việt Nam, như: Nguyễn Thành Vĩnh, Lê Đình Chi, Nguyễn Long, Hoàng Quốc Tân, Trần Quang Phát, Phan Kiến Khương, Nguyễn Lâm Sanh, Hồ Tri Châu… Có thể thấy, trong số những Luật sư ở Việt Nam trước năm 1975, dù là người Pháp hay người Việt, nhưng hầu hết họ là những người tâm huyết với nghề, có bản lĩnh, sẵn sàng đấu tranh vì lẽ phải, bảo vệ công lý.

Dấu ấn Luật sư qua một số vụ án và hoạt động chính quyền

Ở đây cần nói ngay rằng, vào những năm đầu thế kỷ XX, do hậu quả của hàng nghìn năm phong kiến và trong thời kỳ thực dân nửa phong kiến, số người biết chữ và có trình độ học vấn ở Việt Nam rất hạn chế. Đặc biệt, do quan niệm và chính sách nô dịch của chính quyền thực dân nên những người học luật, hành nghề luật sư không nhiều. Nhưng bằng kiến thức, tài năng, ý chí tuyệt vời, các Luật sư đã khẳng định vai trò, ý chí của mình. Điều này được chứng minh phần nào bằng sự tham gia của các Luật sư trong các vụ án cũng như trong thành phần bộ máy chính quyền hay các phong trào đấu tranh ở giai đoạn này.

Có thể điểm qua hoạt động của các Luật sư qua một số vụ án nổi bật. Vụ xét xử chí sĩ Phan Bội Châu - phiên tòa lớn nhất nửa đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Phiên tòa này do Hội đồng đề hình Bắc Kỳ tổ chức ngày 23/11/1925 ở phố Hàng Vôi (Hà Nội) với thành phần xét xử là những người Pháp, hai trạng sư được chỉ định bào chữa là Bona (ở Hà Nội) và Larre (ở Hải Phòng). Với bản cáo trạng gồm 8 nội dung buộc tội, chính quyền thực dân muốn nhà yêu nước Phan Bội Châu bị khép vào trọng tội, phải nhận án phạt nghiêm khắc nhất nhằm đè bẹp ý chí phản kháng của người dân cả nước đang dâng cao. Nhưng bằng sự nhiệt tình, nỗ lực bào chữa của hai trạng sư Bona và Larre cùng với cuộc đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng đã khiến hội đồng xét xử phải thay đổi mục đích ban đầu, tuyên “khổ sai chung thân” đối với chí sĩ họ Phan. Khi phiên tòa kết thúc, hai trạng sư người Pháp này còn “đánh dây thép” cho Toàn quyền Đông Dương xin tha tội cho Phan Bội Châu. Toàn quyền Đông Dương khi ấy là A. Varenne đã tiếp kiến hai trạng sư và trao đổi với Chưởng lý Bourgane. Để rồi, một tháng sau, ngày 23/12/1925 Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định đặc xá cho Phan Bội Châu. Án “khổ sai chung thân” được xóa bỏ, Phan Bội Châu được trả tự do. Nhưng vì lo ngại trước ảnh hưởng của ông nên chúng vẫn đưa nhà yêu nước này vào Huế để quản thúc.

Vụ án hội kín Nguyễn An Ninh diễn ra vào năm 1928. Nguyễn An Ninh là cử nhân luật, nhà báo cách mạng. Xuất phát từ một vụ việc xô xát ngày 28/9/1928, chính quyền thực dân muốn nhân đó để xét xử Nguyễn An Ninh do ông đã có nhiều hoạt động chính trị đấu tranh bảo vệ dân tộc, chống lại các chính sách của Pháp khi ấy. Phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 8/5/1929 ở Tòa án Sài Gòn nằm trên đường Mac Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), tòa xử kín với thành phần hội đồng xét xử là những người Pháp. Trạng sư Gallois Montbrun biện hộ cho Phan Văn Hùm, còn Nguyễn An Ninh được trạng sư Gallet ngỏ ý giúp nhưng ông đã từ chối. Tại tòa, viên biện lý Labrique đã gay gắt buộc tội Nguyễn An Ninh và đòi tòa phải “kết tội thật nặng Nguyễn An Ninh, phạt nặng mấy người đầu đảng”. Ngày 17/7/1929, vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm tại trụ sở Tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Trạng sư Gallois Montbrun biện hộ cho Phan Văn Hùm và Trạng sư Charles Gallet biện hộ cho Nguyễn An Ninh. Tại đây, các trạng sư đã tranh luận gay gắt với trạng sư của xã hội - Chưởng lý Léonardi. Tiếp đó, các trạng sư biện hộ đã dốc sức bào chữa bênh vực cho các bị cáo khiến cử tọa trong phòng xử án đều bị thuyết phục. Cuối cùng, tòa tuyên y án sơ thẩm đối với Nguyễn An Ninh, 4 tháng tù treo cho Phan Văn Hùm, 4 người khác đều nhận 2 năm tù, còn lại được tha bổng. Điều đọng lại ở vụ án này là thái độ, nội dung bào chữa của các Luật sư (trạng sư) là hết sức chân thành, bày tỏ sự khâm phục về những hành động của Nguyễn An Ninh cùng các đồng chí của ông và thể hiện thái độ bảo vệ đến cùng đối với các thân chủ của mình.

Vụ Đồng Nọc Nạn diễn ra vào năm 1928. Đây là vụ án xuất phát từ việc tranh chấp về đất đai tại cánh đồng Nọc Nạn thuộc làng Phong Thanh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay thuộc ấp 4, xã Phong Thanh B, huyện Giá Rai) giữa gia đình nông dân Nguyễn Văn Toại (Biện Toại) với kẻ quyền thế là Mã Ngân (Bang Tắc - một Hoa kiều giàu khét tiếng). Dựa vào thế lực của mình, Bang Tắc đã có những việc làm càn rỡ, cấu kết với chức dịch địa phương nhằm chiếm không khu đất rộng lớn do cha của Biện Toại khai phá từ trước đó. Sự việc đẩy lên đỉnh điểm, khi ngày 16/2/1928, hai viên cò Tây cùng lính mã tà đến Phong Thạnh tiếp tay cho hương chức làng tiến hành tịch thu lúa vừa thu hoạch của gia đình Biện Toại. Xô xát đã xảy ra, để rồi phía nhà Biện Toại có 4 người chết (trong đó có một phụ nữ đang mang thai), 2 người bị thương nặng, còn phía nhà cầm quyền, cò Tournier bị chết. Phiên tòa xét xử vụ án diễn ra ngày 17/8/1928 tại Tòa Đại hình Cần Thơ do các quan tòa người Pháp điều hành. Bào chữa cho các bị cáo (gia đình Biện Toại) là hai trạng sư Tricon và Zévaco thuộc Luật sư đoàn Sài Gòn nhận cãi miễn phí (do nhà báo Lê Trung Nghĩa mời). Tại tòa, hai trạng sư đã hăng hái tham gia tranh tụng và biện hộ cho những người nông dân chất phác của mình. Để rồi “Tòa vào phòng để thảo luận, bàn cãi rất lâu, sau đó trở ra tuyên một bản án mà không một bản án nào có thể công bằng và nhân ái hơn” (trích báo Diễn đàn Đông Dương ngày 20/8/1928).

Luật sư bào chữa cho nhiều lãnh đạo cách mạng. Luật sư Nguyễn Văn Huyền xuất thân trong một gia đình theo đạo Thiên chúa lâu đời ở Sóc Trăng. Ông được biết đến với vai trò là Thủ lãnh Luật sư đoàn Sài Gòn (1963, 1964, 1965), Chủ tịch Thượng nghị viện (1967-1972), Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (4/1975) và đã biện hộ cho nhiều vụ án lớn, trong đó có vụ xét xử Hà Huy Tập năm 1940, vụ Nguyễn Hữu Thọ, Phan Kiến Khương năm 1950. Hà Huy Tập - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (7/1936-3/1938) - bị chính quyền thực dân bắt vào ngày 01/5/1938 và bị Tòa Sơ thẩm Sài Gòn xử 8 tháng tù, 5 năm cấm cư trú. Tháng 3/1939 ông bị trục xuất khỏi Sài Gòn, đưa về quê (Hà Tĩnh) quản thúc. Tuy nhiên, vì xác định là thành phần nguy hiểm nên ngày 30/3/1940 ông bị bắt lại và đưa vào Sài Gòn xét xử. Tại phiên tòa này, Luật sư Nguyễn Văn Huyền đã nỗ lực biện hộ và ngày 25/10/1940 Tòa án Sài Gòn xử tiểu hình tuyên ông 5 năm tù giam, 10 năm quản thúc. Còn Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Luật sư Phan Kiến Khương là các trí thức yêu nước. Tháng 3/1950, sau nhiều cuộc biểu tình phản đối Mỹ can thiệp vào Đông Dương, các ông cùng một số trí thức khác bị bắt. Ngày 27/3/1950, hai bị cáo Nguyễn Hữu Thọ và Phan Kiến Khương bị đưa ra tòa xét xử với tội danh “bạo động có mục đích xúi giục nổi loạn, trao khí giới đánh lẫn nhau hoặc phá hoại, tàn sát, cướp bóc trong nước Việt Nam”. Ba Luật sư tham gia bào chữa cho các ông là Nguyễn Văn Huyền, Lê Văn Hổ, Trương Đình Dzu. Kết quả, tòa phải trả tự do (tại ngoại hầu tra) cho Nguyễn Hữu Thọ và phải nộp 5.000 đồng tiền thế thân. Ở thời điểm đó, đã có một bản kiến nghị đòi trả tự do cho Nguyễn Hữu Thọ, Phan Kiến Khương do hàng trăm Luật sư người Việt và người Pháp cùng ký tên. Để phản đối việc Zévaco (lúc này đứng đầu Hội đồng kỷ luật của Luật sư đoàn Sài Gòn) từ chối ký đơn bênh vực đồng nghiệp, các Luật sư Huyền, Hổ, Dzu đã quyết định rút khỏi Hội đồng kỷ luật.

Vụ Luật sư bào chữa miễn phí cho chiến sĩ dũng cảm treo cờ trên hồ Gươm (Hà Nội). Chuyện kể rằng, sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 09/3/1945, chúng bắt được một chiến sĩ của ta treo cờ đỏ sao vàng trên Tháp Rùa. Nhân sự việc này, chúng quyết định đem ra xử công khai để răn đe. Được tin đó, Luật sư Vũ Văn Hiền cùng cộng sự đã nhận bào chữa miễn phí cho người chiến sĩ dũng cảm này. Phiên tòa hôm đó có rất đông người dân tham dự. Sau phần luận tội của công tố viên, Luật sư Vũ Văn Hiền đĩnh đạc đứng lên chất vấn hội đồng xét xử bằng một câu hỏi bất ngờ: “Thưa các vị thẩm phán, ngày 01/6/1946, các vị có đi dự cuộc họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?”. Do chưa hiểu ý đồ của Luật sư, nên mấy vị thẩm phán đành phải trả lời thật: “Chúng tôi có đi dự!”. “Các vị có biểu quyết tán thành Quốc hội đó không?” - Luật sư hỏi. Các viên tham gia xét xử đều trả lời “Chúng tôi có đồng ý biểu quyết tán thành!”. Chỉ chờ có vậy, Luật sư Vũ Văn Hiền liền rành rọt phát biểu “Hẳn các vị còn nhớ trong kỳ họp đó, Quốc hội đã thông qua, trong đó có sự tán thành của các vị, chọn Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng. Vậy thì hành động cắm lá cờ đã được các vị công nhận ấy lên Tháp Rùa thì mắc vào tội gì?”. Lúc này các vị thẩm phán mới ngã ngửa người song vẫn cố chống chế: “Hành động đó mắc vào tội gây rối trật tự trị an”. Quay xuống phía bà con tham dự, Luật sư tiếp lời: “Tất cả những người dân kéo đến xem lá cờ đỏ sao vàng đều giữ trật tự, không gây náo động, la hét hay làm ảnh hưởng gì tới trị an, trật tự hay giao thông, vậy thì làm sao có thể khép thân chủ của tôi vào tội gây rối trật tự trị an?”. Mọi người tham dự đều vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng và hội đồng xét xử buộc phải tuyên bị cáo vô tội, được thả ngay trước tòa…(7).

Vụ án Ngô Đình Cẩn do Tòa án của chính quyền Sài Gòn xét xử ngày 16-22/4/1964. Hẳn ai cũng biết, Ngô Đình Cẩn là em út của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, từng được xem là “hung thần miền Trung”, nên sau khi bị bắt và đưa ra xét xử ở Sài Gòn đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Theo công tố viên thì Cẩn bị buộc nhiều tội và phải chịu trách nhiệm về những tội ác mà y gây ra suốt 9 năm ở miền Trung. Trong vụ án này, Luật sư Võ Văn Quan là người đã nhận bào chữa cho Cẩn. Tại tòa, Luật sư Quan thừa nhận, đây là lần đầu tiên ông lãnh trọng trách quá nặng nề vì phải dung hòa giữa quyền lợi và công lý, đồng thời cùng lúc phải chịu áp lực trước biển người chung quanh pháp đình, các Luật sư đối tụng và ông chưởng lý. Nhưng với trách nhiệm của một Luật sư, ông vẫn nghiêm túc thể hiện vai trò của mình. Đó không chỉ ở bài bào chữa chuẩn bị kéo dài 3 giờ đồng hồ (thực tế thì ông đã bào chữa từ lúc 13h và kết thúc vào hồi 18h05 ngày 22/4/1964) với những chứng cứ, lý lẽ phân tích cụ thể, rạch ròi, mà còn bởi quá trình tranh tụng sau đó - điều khiến cả vị Chưởng lý (buộc tội) phải đứng lên tán thưởng sự tận tâm của Luật sư. Không dừng lại ở đó, ngay ngày hôm sau phiên tòa (23/4/1964), Luật sư Quan đã vào Khám Chí Hòa thăm tử tù Ngô Đình Cẩn kèm theo lá đơn xin ân xá mà ông soạn sẵn và dành thời gian đến đưa tử tội ra pháp trường với những lời an ủi chân thành vào ngày 09/5/1964. Dù trong vụ án này, Ngô Đình Cẩn vẫn phải lãnh án tử hình, nhưng qua hành động của Luật sư Quan cho thấy ông đã dũng cảm phụng sự công lý, được các Luật sư đối tụng công khai tán thưởng và chính bị cáo tri ân bằng việc để lại bút tích và ký tên trên tấm danh thiếp của ông ta với dòng chữ “Xin hết sức đa tạ” trước khi bị hành quyết.

Lịch sử tư pháp Việt Nam còn chứng kiến nhiều vụ án được dư luận quan tâm, trong đó phải kể đến vai trò của các Luật sư khi luôn tận tâm, đề cao sứ mệnh bảo vệ công lý, như: vụ án xét xử báo Lao Động - là một tờ báo hoạt động theo chủ trương của Đảng năm 1937, vụ các Luật sư bào chữa cho “bị can” Nguyễn Hữu Thọ năm 1957(8), vụ bào chữa cho “Luật gia Ngô Bá Thành” năm 1971(9), Vụ bảo vệ Luật sư Lê Văn Mão (năm 1967)(10)…

Xin lưu ý, tại các phiên tòa, nhất là ở dưới các chế độ cũ, để làm rõ sự thật, bào chữa thành công là rất khó khăn. Bởi nó không chỉ diễn ra trong bối cảnh bị chính quyền thực dân, đế quốc khống chế, phong tỏa về mọi mặt của đời sống xã hội, mà các thành viên tiến hành tố tụng (điều tra, xét xử, buộc tội) phần lớn người do chính quyền cử ra, giật dây. Trong khi các Luật sư luôn phải chịu áp lực do có sự cấu kết của các thế lực quyền thế, nhưng lại nhận bảo vệ cho thân chủ của mình là những bị cáo “phạm tội tày đình” tham gia hoạt động chống lại chính quyền hay những nông dân yếu thế đã có hành vi chống trả quyết liệt những kẻ có thế lực. Nhưng họ vẫn tận tâm, dùng tài năng và vận dụng kiến thức để bênh vực, bảo vệ.

Dưới các chế độ cũ, dù khó khăn, thử thách, nhưng Luật sư và nghề luật sư luôn được đề cao, coi trọng. Tất nhiên, ở đó không loại trừ âm mưu của các thế lực tìm cách lôi kéo ảnh hưởng của các Luật sư, nhưng không thể phủ nhận vai trò của họ đối với cộng đồng xã hội. Điều đó lý giải vì sao chỉ với vài trăm Luật sư trong thời gian khoảng nửa thế kỷ, nhưng cùng với hoạt động hành nghề sôi nổi, họ còn để lại dấu ấn đậm nét khi tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội. Chưa đề cập đến những nhân vật gạo cội từ sớm đã hòa mình vào cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, mà chỉ điểm qua một số Luật sư từng góp mặt trong trong bộ máy chính quyền cũ đã thấy tầm ảnh hưởng của họ ra sao. Ở đó, có khá nhiều người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền, họ không chỉ tham gia vào lĩnh vực luật pháp, mà còn là lãnh đạo, phụ trách các lĩnh vực khác nhau, từ văn hóa, thông tin, giáo dục đến an ninh quốc phòng. Trong chính phủ đầu tiên được thiết lập dưới chính thể quân chủ ở Việt Nam (Chính phủ Trần Trọng Kim) gồm 10 thành viên thì đã có sự hiện diện của 4 Luật sư là Phó Thủ tướng, bộ trưởng (Trần Văn Chương - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao; Trịnh Đình Thảo - Bộ trưởng Tư pháp; Phan Anh - Bộ trưởng Thanh niên; Vũ Văn Hiền - Bộ trưởng Tài chính); ngoài ra còn có một Thị trưởng (Luật sư Vũ Trọng Khánh - Thị trưởng thành phố Hải Phòng). Năm 1949, Luật sư Trịnh Đình Thảo đã từ chối lời mời làm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam để ra vùng kháng chiến hoạt động cách mạng. Trong bộ máy chính quyền Sài Gòn cuối cùng năm 1975, cùng với Luật sư Nguyễn Văn Huyền (Phó Tổng thống), Luật sư Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng), là các Luật sư: Trần Ngọc Liễng (Quốc vụ khanh), Trần Văn Tốt (Tổng trưởng Lao động) và luật gia Trần Thúc Linh (Tổng trưởng Tư pháp). Và thật ấn tượng khi chỉ trong thời gian 20 năm tồn tại của chế độ Việt Nam Cộng hòa, ngoài các Luật sư trên, còn có 01 Luật sư làm Thủ tướng (Nguyễn Văn Lộc), 2 Luật sư làm Phó Thủ tướng (Lữ Văn Vi, Trần Văn Tuyên), cùng hơn 20 Luật sư giữ chức vụ bộ trưởng và tương đương: Luật sư Lữ Văn Vi (Tổng trưởng Tư pháp), Luật sư Trần Văn Tuyên (Tổng trưởng Thông tin, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Trưởng khối Dân tộc - Xã hội của Hạ nghị viện), Luật sư Vương Quang Nhường (Tổng trưởng Quốc gia giáo dục, Tổng trưởng phụ trợ Thủ tướng, Tổng trưởng Tư pháp, Chủ tịch Viện Bảo hiến), Luật sư Lê Thăng (Tổng trưởng Xã hội - Lao động), Luật sư Trần Chánh Thành (Tổng trưởng tại Phủ Thủ tướng, Tổng trưởng Thông tin, Tổng trưởng Ngoại giao, Đại sứ), Luật sư Lê Ngọc Chấn (Bộ trưởng Quốc phòng), Luật sư Nguyễn Hữu Châu (Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng trưởng Phủ Tổng thống); Luật sư Phan Tấn Chức (Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục), Luật sư Trần Thanh Hiệp (Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Cải cách điền địa), Luật sư Đinh Trình Chính (Bộ trưởng Thông tin, Ủy viên Tâm lý chiến - tương đương Bộ trưởng), Luật sư Vũ Quốc Thúc (Bộ trưởng Quốc gia giáo dục, Thống đốc Ngân hàng quốc gia, Cố vấn Phủ Tổng thống, Quốc vụ khanh đặc trách tái thiết và phát triển), Luật sư Lê Trọng Quát (Tổng trưởng Thông tin), Luật sư Lê Văn Thu (Tổng trưởng Tư pháp), Luật sư Ngô Khắc Tịnh (Tổng trưởng Tư pháp), Luật sư Trần Văn Tốt (Thủ lĩnh Luật sư đoàn, Tổng trưởng Lao động).

Đồng thời đã có hàng chục Luật sư là nghị sĩ, trong đó có nhiều người tham gia lãnh đạo (Luật sư Nguyễn Văn Huyền - Chủ tịch Thượng nghị viện; Luật sư Nguyễn Phước Đại - Phó Chủ tịch Thượng nghị viện; Luật sư Nguyễn Hữu Hiệu - Trưởng khối Tư pháp Hạ nghị viện)… Bên cạnh đó, là các Luật sư trong vai trò thủ lĩnh, lãnh đạo của các phong trào, tổ chức chính trị - xã hội, như: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Luật sư Trịnh Đình Thảo (Chủ tịch danh dự Phong trào Hòa bình ở Sài Gòn), Luật sư Thái Văn Lung (Phó thủ lĩnh Thanh niên tiền phong khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn), Luật sư Trần Công Tường (Chủ tịch Hội Trí thức và Công chức cứu quốc Nam bộ), Luật sư Trần Ngọc Liễng (Chủ tịch lực lượng Quốc gia tiến bộ), “Luật sư xã hội” Ngô Bá Thành (Chủ tịch Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống), Luật sư Nguyễn Phước Đại (Phó Chủ tịch Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống),…

Một vài nhận xét, đánh giá

Từ việc các hoạt động của Luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam trước năm 1975, có thể đi đến một số nhận xét, đánh giá sau:

Thứ nhất, họ là những người tài năng, có trình độ. Trong số những Luật sư trước đây, có thể xuất thân khác nhau, nhưng hầu hết đều là những người có trình độ học vấn cao, am tường xã hội. Đó không chỉ bởi theo quy định khi muốn trở thành Luật sư, mà họ còn tự trang bị thêm kiến thức cho mình. Ở giai đoạn lịch sử đất nước gặp vô vàn khó khăn do hậu quả hàng nghìn năm phong kiến, hàng chục năm bị thực dân đô hộ và trong hoàn cảnh chiến tranh, tỷ lệ người biết chữ rất hạn chế, mặt bằng dân trí thấp của Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX, song phần các Luật sư lại có bằng cấp cao. Trong số đó có nhiều người có học vị tiến sĩ (Phan Văn Trường, Bùi Tường Chiểu, Trịnh Đình Thảo, Phạm Văn Bạch, Bùi Thị Cẩm, Trần Văn Chương, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Văn Mẫu, Vương Quang Nhường…); không ít người có 2 - 3 bằng thuộc các chuyên ngành khác nhau: Phan Văn Trường (tiến sĩ luật, cử nhân văn khoa), Nguyễn Mạnh Tường (2 bằng tiến sĩ luật, văn chương), Ngô Sách Vinh (cử nhân luật, cử nhân văn), Trịnh Ngọc Thảo (tiến sĩ luật, cử nhân văn chương, thạc sĩ kinh tế và thương mại), Vương Quang Nhường (tiến sĩ luật, cao học ngành công pháp và kinh tế học), Trần Công Tường (cử nhân luật, đại học văn học và chính trị)… Không chỉ có trình độ, kiến thức sâu rộng, họ còn là những người tài năng, tâm huyết. Điều này không những thể hiện qua hoạt động nghề nghiệp mà còn ở các lĩnh vực xã hội khác khi họ có điều kiện tham gia. Xin lưu ý, số lượng Luật sư ở Việt Nam thực thụ trước năm 1945 rất ít, ước tính từ 1911 đến năm 1975 chỉ chưa đến nghìn người, trong khi phải vượt qua không ít trở ngại, thách thức, nhưng các Luật sư vẫn khẳng định vai trò, vị thế của nghề.

Thứ hai, phần lớn các Luật sư đều gắn bó, tận tâm với nghề. Dẫu phải trải qua quá trình học, tập sự, thử thách kéo dài với những đòi hỏi khắt khe trước khi trở thành Luật sư thực thụ, song họ vẫn kiên trì vượt qua. Chẳng hạn, theo Sắc lệnh ngày 25/5/1930, được Điều 1 Sắc lệnh ngày 24/7/1930 sửa đổi, thì điều kiện để được công nhận là Luật sư là: đủ 26 tuổi tròn; có bằng cử nhân luật của chính quốc hoặc thuộc địa; đã tập sự ít nhất 5 năm tại một văn phòng Luật sư đăng ký ở Đông Dương, có trụ sở trong xứ thuộc địa; đã đạt kỳ thi mãn khóa tập sự; chứng minh có hạnh kiểm đạo đức tốt. Trong khi đó, một người bình thường chỉ cần học xong trường cao đẳng/đại học (cử nhân) đã có thể được bổ nhiệm làm tri huyện hoặc trở thành công chức trong bộ máy chính quyền với mức lương ổn định, hậu hĩnh. Khi hành nghề, Luật sư phải thực hiện các quy định, chịu sự quản lý của chính quyền cùng các áp lực từ xã hội, đồng thời phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng, tạo lập uy tín và tìm kiếm việc làm mới có thu nhập, nhưng họ vẫn chấp nhận chọn và theo nghề luật sư. Ngoài ra, các Luật sư khi ấy còn phải vượt qua mọi thành kiến, chịu sự chi phối từ nhiều phía, nhưng họ vẫn tâm huyết với nghề. Đặc biệt, Luật sư là đối tượng được xã hội quan tâm, luôn phải đề cao đạo đức nghề nghiệp, nêu cao tinh thần bảo vệ công lý, hành nghề trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, chiến tranh diễn ra liên miên, tuy nhiên các Luật sư đều vượt lên, trở thành lực lượng uy tín, được cộng đồng trông cậy.

Thứ ba, họ là những người có dũng khí, luôn đấu tranh vì lẽ phải, bảo vệ công bằng, công lý. Luật sư vốn được xác định là nghề nguy hiểm và càng trở nên nguy hiểm hơn trong xã hội còn đầy rẫy bất trắc, hiểm nguy bởi các thế lực nắm quyền chi phối và chiến tranh. Ấy vậy nhưng các Luật sư ở Việt Nam trong các chế độ cũ vẫn giữ vững phẩm hạnh, đấu tranh bảo vệ cho công bằng, lẽ phải. Trong số họ đã có nhiều người từ bỏ cuộc sống ấm êm, giàu sang phú quý để lựa chọn con đường gian nan thiếu thốn, một lòng hướng theo cách mạng, hòa vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Không ít người đã phải chịu áp chế của chính quyền thực dân, đế quốc, cam chịu tù đày, nhưng vẫn tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động chống lại cường quyền, phản đối các chính sách nô dịch, phản động. Nhiều Luật sư đã dũng cảm bào chữa, bảo vệ đến cùng các chiến sĩ cách mạng không may sa vào tay giặc hay sẵn sàng nhận bào chữa miễn phí cho những người dân lao động nghèo khó.

Thứ tư, các Luật sư đã có ảnh hưởng lớn, nhận được sự tin yêu của cộng đồng. Là những tri thức tham gia hoạt động nghề nghiệp đặc biệt, các Luật sư đã luôn là đối tượng để các thế lực lôi kéo, nhưng ở khía cạnh khác họ luôn là chỗ dựa tin cậy của tầng lớp những người lao động. Bởi các Luật sư, bằng năng lực, uy tín và truyền thống nghề nghiệp, tiếng nói của họ luôn có giá trị, việc làm của họ được bảo đảm do tài năng và sứ mệnh mà họ theo đuổi. Thực tiễn cho thấy, nhiều sự kiện, việc làm do các Luật sư phát động, thực hiện đã khiến chính quyền phải chùn tay, e ngại; nhiều công việc, chức vụ do Luật sư đảm nhiệm đã mang lại kết quả, tạo ảnh ảnh lớn, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Thứ năm, đội ngũ Luật sư trước đây đã có đóng góp lớn vào sự nghiệp đấu tranh của quần chúng, bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dân chủ, nhiều Luật sư không những đã tiên phong đi đầu, như Phan Văn Trường, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Đình Chi…, mà còn tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, như Trần Công Tường, Vũ Thị Cẩm, Phạm Ngọc Thuần, Thái Văn Lung, Trần Ngọc Liễng… Thậm chí, không ít Luật sư có quan hệ mật thiết, giữ trọng trách trong bộ máy chính quyền cũ, nhưng vẫn có những hành động kiên cường vì lợi ích của quốc gia, dân tộc đáng được ghi nhận, như: Luật sư Vương Văn Bắc, Luật sư Vũ Văn Mẫu phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa năm 1974, 1975; Luật sư Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu giữ quan điểm ôn hòa, chuyển giao chính quyền cho cách mạng để tránh xung đột, gây ra những tổn thất khôn lường trong tháng 4/1975. Tóm lại, gần một thế kỷ với nhiều biến động xã hội và phải trải qua nhiều thăng trầm, trở ngại, nhưng các Luật sư ở Việt Nam trong các chế độ cũ đã để lại những dấu ấn đáng trân trọng thông qua quá trình hành nghề và hoạt động xã hội. Đối với các Luật sư ngoại quốc, tuy số lượng không nhiều và chính thức chỉ hành nghề ở Việt Nam đến năm 1952 (theo Dụ số 25 ngày 05/12/1952), nhưng nhiều người đã vượt qua các rào cản, thử thách, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ lẽ phải, cống hiến vì lẽ công bằng. Với các Luật sư người Việt (từ 1911 đến 1975), hầu hết là những người có trình độ, am hiểu xã hội, dũng cảm, luôn nêu cao tinh thần dân tộc, đấu tranh không khoan nhượng trước những việc làm sai trái. Trong đó, có nhiều người không những đã dùng kiến thức, sự hiểu biết của mình để bênh vực cho người yếu thế, có cùng chí hướng, mà mỗi khi có cơ hội đều sẵn sàng tham gia trong các tổ chức, phong trào yêu nước, đấu tranh chống lại bè lũ thực dân, tay sai, tích cực góp phần cải thiện xã hội, nâng cao dân trí, chấn hưng văn hóa dân tộc.

=====================

(1)       Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, Lịch sử nghề luật sư ở Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2015, tr.26.

(2)       https://vusta.vn/nhung-dieu-toi-biet-ve-bao-le-travail-p76974.html

(3)       Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, tlđd, tr.145.

(4)       Phan Thị Châu Liên (1985), Giai nhân kỳ ngộ (Phần phụ thêm), Nxb Hướng Dương, Sài Gòn, tr.74-75.

(5)       Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, tlđd, tr.153.

(6)       http://truongtoc.com.vn/truong-dinh-du-truong-dinh-dzu-1917--1991-mot-luat-su-uyen-bac

(7)       https://tienphong.vn/gap-nguoi-da-chia-se-nam-com-voi-thu-tuong-hunsen-post70137.tpo

(8)       Vụ án do chính quyền Việt Nam tổ chức xét xử Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở Nha Trang năm 1957. Trong vụ án này, Luật sư Vương Quang Nhường đã nhận bào chữa.

(9)       Vì lý do “trung lập thân Cộng”, trước năm 1975, bà Ngô Bá Thành (tên thật là Phạm Thị Thanh Vân) từng bị chính quyền Sài Gòn bắt giam 5 năm và có 4 lần ra toà.

(10)     Cuộc tranh luận gây xôn xao dư luận diễn ra vào năm 1967. Bằng sự nỗ lực đấu tranh, các Luật sư và Luật sư đoàn Sài Gòn khi ấy đã bảo vệ thành công cho Luật sư Lê Văn Mão không bị truy tố về tội “Thiếu tôn kính đối với tòa án”.

 

Tài liệu tham khảo:

1.         GS Phan Quang, TS Phan Văn Hoàng (2011), Luật sư Phan Văn Trường, Nxb Thanh niên.

2.         Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2014), Truyền thống Luật sư Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

3.         Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2015), Lịch sử nghề luật sư ở Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

3.         Liêu Chí Trung, Luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam (bản thảo sách).

4.         https://vi.wikipedia.org/wiki/...

 TS.LS LIÊU CHÍ TRUNG

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam

Nguồn: lsvn.vn